Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Hồ Xuân Hương và một số tác phẩm


Đề: Phân tích bài thơ “Mời trầu” của Hồ Xuân Hương.
                                            Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
                                            Này của Xuân Hương mới quệt rồi
                                            Có phải duyên nhau thì thắm lại
                                            Đừng xanh như lá bạc như vôi.
MB: Dân tộc Việt Nam có tục ăn trầu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Trong đời sống hằng ngày, nhất là trong ngày lễ Tết, cưới sinh,…đều có sự hiện diện của trầu cau. Ca dao cũng có câu: “Gặp đây trao một miếng trầu/ Miệng ăn môi đỏ dạ sầu đăm chiêu”.
Trầu cau là biểu tượng của nghĩa tình chung thủy, son sắt. Miếng trầu nhỏ bé đã trở thành một đề tài trữ tình trong văn chương của Hồ Xuân Hương. “Mời trầu” chính là một lời nhắn gửi tế nhị của Bà chúa thơ Nôm đến người đời “Hãy sống có nghĩa tình, đúng với đạo lí”. Qua đó thể hiện nỗi khát khao cuộc sống hạnh phúc lứa đôi của một trái tim nồng nàn, đằm thắm, giàu cá tính – được thể hiện một cách chân tình.
TB: Đi qua cuộc đời của Hồ Xuân Hương có khá nhiều người bạn tình nhưng cuối cùng vẫn không được bền lâu. Tình cảm xao xuyến của thời tuổi trẻ cùng những lời giỡn cợt của Chiêu Hổ, thoắt lại là cái kiếp làm lẽ tủi nhục trăm bề trong sự lạnh lẽo của Tổng Cóc. Bạn văn chương như ông phủ Vĩnh Tường cũng chỉ là mộng ảo ngắn ngủi. Trái tim yêu thương của Xuân Hương tưởng chừng tan nát vì sự trớ trêu đến thế. Bao đêm trường ôm hận một mình, xót xa tự an ủi bản thân mình. Xuân Hương đã cảm thấy chua chát, cay đắng cho mình, cho những cuộc tình đã trải qua.
Bài thơ Mời trầu có lẽ ra đời trong giai đoạn nữ sĩ dựng quán nước kén bạn trăm năm. Thực ra, Xuân Hương đã ý thức được mình, đến độ chín chắn, cần một bạn chi kỷ hơn là những yêu đương nồng cháy thời tuổi trẻ. Bởi lẽ, nữ sĩ đã cảm nhận được sự lạnh giá cô đơn, rất cần một sự động viên an ủi, những lời nói tâm tình.
Hai câu đầu: Rất trung thực, khiêm tốn và chân thành Hồ Xuân Hương đã nói về mình hết sức thẳng thắn. “Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi”.Từ láy giảm nghĩa “nho nhỏ” gợi hình dáng một quả cau xinh xắn, nhỏ nhắn, đáng yêu. Ở đây, Hồ Xuân Hương dùng từ trái nghĩa “miếng trầu hôi” trái nghĩa “miếng trầu thơm, trầu quế” thể hiện cách nói nhú nhường, nhí nhỏm, thân mật. Câu thơ tách ra hai vế: “Quả cau nho nhỏ/ miếng trầu hôi” Nói về hai đối tượng khác nhau nhưng đều tạo ra một món quà khiêm nhường để mời khách. Từ “này” giúp ta hình dung ra cử chỉ nữ sĩ đang mời khách dùng trầu. Xuân Hương đã lấy cái hồn dân tộc Việt Nam thanh cao cau trầu keo sơn gắn bó mà nói về tình yêu của mình, độc đáo và thi vị. Nhưng, độc đáo tất có phong cách riêng – phong cách Hồ Xuân Hương.
Người ta thường nói “têm trầu”, ở đây nữ sĩ dùng “quệt” “Này của Xuân Hương mới quệt rồi”, cách nói rất giản dị nhưng rất đặc sắc khiến người đọc hình dung ra cử động nhẹ nhàng, dân dã, tạo được không khí cởi mở, chân thành, dí dỏm. Một động từ độc đáo ,mới lạ, chỉ ở con người cũng độc đáo, đầy cá tính một cách chặt chẽ, người đọc cảm thấy thú vị và yêu hơn cái quệt dễ thương, thấm đẫm tình ý ấy. Những động từ khác, giả sử được đưa vào thay thế, có lẽ rằng không thể lột tả được cái ý, cái tình mà câu thơ gửi gắm. Tản Đà đầu những năm 20 của thế kỉ XX đã nhận xét rằng: Thơ Hồ Xuân Hương thật tinh quái, những câu thơ hay đọc lên đến ghê người”. Có lẽ vì cái độc đáo vì những động từ lạ Tản Đà mới nhận xét về bà như vậy.. Một cách thể hiện cái tôi của mình rất chuẩn nhị, khác thường mà lại duyên dáng. Nhà thơ tự trải lòng mình, bày tâm tư, tình cảm một cách chân thật, một cách khách thể hóa thật lạ kỳ, cảm động.
Hai câu cuối: Thế nhưng, sau tấm chân tình gần như bình thản ấy là một giọng nói nhẹ nhàng chất chứa bao cảm xúc, bao nỗi niềm. “Có phải duyên nhau thì thắm lại /Đừng xanh như lá, bạc như vôi”. Hồ Xuân Hương đưa ra một câu hỏi vừa đưa ra một yêu cầu “Có phải duyên nhau thì thắm lại”. Từ “thắm” sử dụng rất đắt. “Duyên” theo quan niệm dân gian là sự ràng buộc lẫn nhau từ kiếp trước đến kiếp này, Hồ Xuân Hương muốn nói đến cái duyên ấy. Hai câu thơ đầu nói về chuyện ăn trầu, hai câu cuối chuyển sang chuyện duyên số, chuyện con người vậy mà ý thơ vẫn liền mạch, không gò bó chứng tỏ tài dùng ẩn dụ của nhà thơ đến mức tuyệt vời. Nhà thơ còn vận dụng thành ngữ, tục ngữ trong câu kết làm cho ý thơ thật đặc sắc. Xuân Hương trong tình yêu, càng đắm say càng lo sợ một sự cách chia, phai bạc, dường như những người yêu tha thiết thường hay sợ một ngày mai không còn được nguyên vẹn tươi thắm như buổi ban đầu. Đọc kỹ hai câu thơ mới biết chủ ý của nhà thơ sợ người tình đến với nhau không bằng tất cả tình yêu và tấm lòng xanh thắm bền chặt. Như thế, còn gì đau đớn bằng ! Người như “ con thỏ giỡn với bóng trăng” ấy phụ cả một niềm tin chân thành thì còn biết gì để nói nữa. Ca dao ngày xưa viết “ tưởng giếng nước sâu Em nối sợi gầu dài – Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây”. Sự hòa hợp không gìn giữ một tình yêu chân thật thủy chung. Bài thơ gợi cho người đọc mối thương cảm đến xót xa. Ta bỗng trăn trở tự hỏi, lẽ nào một người như Hồ Xuân Hương mà ước nguyện chính đáng, thường tình lại không thành?
Tóm lại bài thơ không chỉ đơn giản nói về duyên trầu mà Hồ Xuân Hương đã nói đến duyên phận của con người của người phụ nữ thời phong kiến. Cái duyên ấy bấp bênh bạc bẽo như vôi. Như trong một số bài khác bà có nhắc nhiều đến duyên phận của người phụ nữ “thân em vừa trắng lại vừa tròn/bảy nổi ba chìm với nước non” (Bánh trôi nước). Qua đó gợi lòng thương cảm tới những con người có niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi, một tình yêu son sắt thủy chung.
KB
Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt “Mời trầu” với những ngôn từ giản dị mà giàu ý nghĩa của Bà chúa thơ Nôm đã không bó hẹp trong chuyện xã giao thường ngày mà còn đi sâu xa hơn vào  tâm trạng, nỗi lòng của nữ sĩ. Chỉ bốn câu thơ mà như bao quát chuyện tình duyên lận đận của Hồ Xuân Hương.  Do vậy mà Xuân Diệu đã đánh giá thơ Hồ Xuân Hương là "tót vời của nguồn thơ nôm na bình dân". Sống trong xã hội phong kiến suy tàn, bà luôn hiểu nỗi thống khổ của người phụ nữ bị chà đạp. Điều đáng quý là nữ sĩ luôn phát hiện và biểu dương cái đẹp vô giá-tấm lòng son sắt, thủy chung mà người phụ nữ luôn trân trọng, giữ gìn.
Đề: Giới thiệu về Hồ Xuân Hương và thơ của bà, có nhận xét:
“…Nhưng thơ bà không chỉ có phê phán, có đả kích, nó còn là thơ của một người rất yêu đời, dồi dào nghị lực”. Phân tích 2 bài thơ “Bánh trôi nước” và “Đề đền Sầm Nghi Đống” để chứng minh cho ý kiến trên.
MB:Hồ Xuân Hương là nhà thơ nổi tiếng của nước ta cuối thế kỉ XVIII-đầu thế kỉ XIX. Ở giai đoạn lịch sử này, chế độ phong kiến suy tàn đã bộc lộ những xấu xa, bất công. Là người giàu thâm thuyết trước cuộc đời, Hồ Xuân Hương đã gửi gắm vào thơ những suy tư, trăn trở trước hiện thực của xã hội, trước thân phận bất hạnh của con người, nhất là người phụ nữ. Giới thiệu về Hồ Xuân Hương và thơ của bà, có nhận xét cho rằng: “…Nhưng thơ bà không chỉ có phê phán, có đả kích, nó còn là thơ của một người rất yêu đời, dồi dào nghị lực”.Qua hai bài thơ “Bánh trôi nước” và “Đề đền Sầm Nghi Đống” của nữ sĩ sẽ giúp ta hiểu rõ hơn thái độ cùng với ước mơ, khát vọng của bà-người được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm.
TB:  Bánh trôi nước
Tiêu đề bài thơ thật giản dị, gần gũi với đời sống bình dân. Những câu thơ đầu miêu tả chiếc bánh trôi rất cụ thể: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn/ Bảy nổi ba chìm với nước non
    Câu thơ gợi trước mắt ta hình ảnh xinh xắn, trắng trẻo, tròn trặn của cái bánh trôi nước, còn gợi cho ta cả một quá trình làm bánh: người ta nặn bột bằng nếp màu trắng, vo tròn, bên trong có một cái nhân bằng đường đỏ rồi cho vào chảo nước sôi luộc bánh, viên bánh chìm xuống, nổi lên. Hồ Xuân Hương tả thực cái bánh trôi nhưng để ẩn dụ tượng trưng cho con người. Con người ở đây chính là người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Từ xưng hô “Thân em” rất ngọt ngào. Người phụ nữ tự nói về mình bằng giọng vừa lòng, toại nguyện. “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”, nước da trắng trẻo, thân hình đầy đặn, người phụ nữ đẹp như thế chắc hẳn sẽ được hạnh phúc, nhưng thành ngữ “Bảy nổi ba chìm” giúp ta hiểu được cuộc sống đau khổ, lận đân vì “nước non”-hình ảnh ẩn dụ theo xã hội phong kiến “Nam tôn nữ ti” (Trọng nam khinh nữ).
Từ toại nguyện, than vãn, phàn nàn về số phận, người phụ nữ bất chấp mọi điều không may xảy ra. “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son” Phép đảo ngữ kết hợp với quan hệ từ “mặc dầu” đã làm tăng ý nghĩa đối lập, khẳng định phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ.
Đề đền Sầm Nghi Đống
Bài thơ tỏ thái độ khinh bỉ những tên xâm lược. Sầm Nghi Đống-viên tướng nhà Thanh bị vua Quang Trung đánh bại, thắt cổ tự vẫn. Về sau để giữ mối hòa hiếu giữa Việt Nam và Trung Quốc, vua Quang Trung cho phép Hoa Kiều lập đền thờ hắn ở Hà Nội. Hồ Xuân Hương có dịp qua đền, ngứa mắt đề thơ:“Nghé mắt trông ngang thấy bảng treo/ Kìa đền Thái thú đứng cheo leo” Nét nổi bật tạo nên tứ thơ của nữ sĩ chính là tư thế, thái độ, cách nhìn. Đây là cách nhìn khinh thị, chế giễu “ghé mắt”-là không nhìn chăm chú, chỉ nhân tiện thì liếc qua. Còn “trông ngang”-là không trông thẳng mà chỉ trông ngang trông ngửa. Chỉ vài từ ngữ mà đã thể hiện thái độ đại bất kính. Nữ sĩ còn hạ bệ tên thái thú bất tài bằng cái “bảng treo”. Chữ “treo” cùng vần “eo” càng thể hiện rõ sự bất kính. Bà còn chỉ cho mọi người cùng xem, đại từ để trỏ “kìa” đặt đầu câu thơ càng thể hiện sự đại bất kính. Đền Thái thú đứng giữa Hà Nội-nơi đô hội thế mà nữ sĩ lại bảo “cheo leo” như ngôi đền được xây trên cao và nhỏ bé trong thế đứng chênh vênh, không vững chãi. Rõ ràng ý thơ đã khắc đậm tư thế ngổ ngáo, nghịch ngợm của một phụ nữ bất khuất, đứng trên lập trường dân tộc mà phê phán kẻ thù xâm lược.
Kết thúc bài thơ là một tuyên bố nữ quyền “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu” Hai câu thơ là một lời giả định đầy thách thức được nữ sĩ tuyên bố giữa xã hội phong kiến “trọng nam khinh nữ” một cách khắc nghiệt. Nếu bà là nam giới thì được mọi trọng trách, được cầm gươm lên ngựa vùng vẫy bốn phương thì sự anh hùng đâu chỉ nhỏ như viên tướng giặc bại trận phải bỏ thây nơi xứ lạ quê người-đây là hai câu thơ đặc sắc nhất thể hiện sự coi thường tên tướng giặc, thể hiện tinh thần dân tộc của nữ sĩ. Đồng thời thể hiện khát vọng đổi đời.
ð                Kết bài
“Bánh trôi nước” và “Đề đền Sầm Nghi Đống” là những bài thơ độc đáo, bà chúa thơ Nôm đã đứng trên lập trường của chính mình để ca ngợi người phụ nữ phong kiến. Đồng thời cất lên tiếng nói đầu tiên đấu tranh cho nam nữ bình quyền. Gần 300 năm trôi qua, những bài thơ của nữ sĩ vẫn xứng danh là thơ của Bà chúa thơ Nôm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.